Chia sẻ

Vì sao Trống Đồng, Lan Anh và nhiều sân khấu ở TPHCM phải 'chết tức tưởi'?

Việc các sân khấu như Trống Đồng, Lan Anh, 126... đóng cửa đáng buồn nhưng theo các chuyên gia, thực trạng này là tất yếu.

Hồi kết của 2 sân khấu lâu đời tại TPHCM

Những ngày qua, khán giả TPHCM xôn xao thông tin Sân khấu Lan Anh, Sân khấu Trống Đồng dừng hoạt động. 

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, người đại diện xác nhận việc Sân khấu Lan Anh chính thức đóng cửa từ đầu tháng 5.

Chương trình ca nhạc lớn gần nhất là live concert UPGENERATION của ca sĩ Trịnh Thăng Bình vào tháng 3/2023. Từ đó đến nay, sân khấu thường trong tình trạng đìu hiu, ít người lui tới.  

Do hoạt động biểu diễn ngưng trệ thời gian dài, ban quản lý quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh. Từ năm 2023, Lan Anh thành lập sân pickleball khi bộ môn này nở rộ, trở thành trào lưu tại Việt Nam; sau đó tổ chức các giải thi đấu quy mô lớn hiếm hoi ở TPHCM và cả nước.

Người đại diện từ chối cho biết lý do Sân khấu Lan Anh dừng hoạt động. Hiện tại, theo ghi nhận hiện trường của phóng viên, sân pickleball đang được tháo dỡ, chấm dứt hành trình 28 năm hoạt động. 

Sân khấu Trống Đồng bị bỏ hoang, cây cỏ dại mọc um tùm (trái) và Sân khấu Lan Anh đang được thi công tháo dỡ (phải). Ảnh: Loan Lê

Tương tự, đại diện Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TPHCM - đơn vị quản lý - cho biết Sân khấu Trống Đồng đã ngưng hoạt động từ Tết Nguyên đán đến nay. 

Suốt thời gian đó, Sân khấu không có ban điều hành, người tiếp chuyện phóng viên là quản lý mới do công ty vừa điều chuyển đến. 

Chương trình lớn được tổ chức gần nhất tại Trống Đồng là Cũng đành ngó lơ hồi tháng 7/2024 có các ca sĩ: Quốc Đại, Hà Vân, Hồ Văn Cường và nhóm hài Gia Bảo.

Hiện, cơ sở vật chất của sân khấu xuống cấp trầm trọng, nhiều hạng mục hỏng nặng, không thể tổ chức show diễn. Mặt bằng sân khấu được tận dụng làm bãi đậu xe và vật tư của Công ty. 

Dù không xác nhận kết cục của sân khấu nhưng theo ghi nhận của phóng viên, việc tháo dỡ toàn bộ dấu hiệu nhận dạng, bao gồm biển tên "Sân khấu Trống Đồng", khả năng để thương hiệu này trở lại hoạt động gần như không thể. 

Đóng cửa là tất yếu

Từng tổ chức hàng chục show diễn tại Sân khấu Trống Đồng, Sân khấu 126 và tham gia nhiều chương trình lớn tại Sân khấu Lan Anh, ông bầu Gia Bảo nhận định thực trạng các sân khấu lâu đời tại TPHCM mất dần sức hút do tác động từ nhiều phía và gần như tất yếu.

Nghệ sĩ Cát Phượng từng tổ chức show "Đêm của cười 4" vào cuối năm 2023 tại Sân khấu Trống Đồng. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ Cát Phượng từng tổ chức show "Đêm của cười 4" vào cuối năm 2023 tại Sân khấu Trống Đồng. Ảnh: NVCC

Thời hoàng kim, Sân khấu Trống Đồng ăn khách vào top đầu; mỗi tháng chỉ cho 4 đơn vị thuê trừ cuối tuần, lễ Tết, thứ 2 và thứ 6.

"Thành ra, bầu show chỉ có thể chọn 1 đêm thứ 3, 4 hoặc 5 hàng tuần. Đơn vị nào mạnh như Trung tâm Băng nhạc Rạng Đông thường 'ôm' luôn 2 đêm/tháng. Bầu show chúng tôi chia nhau phần còn lại, dần cũng quen và khá thân thiết", anh nhớ lại.

Suốt giai đoạn 2010 - 2013, Gia Bảo tổ chức show đều đặn mỗi tháng tại Trống Đồng. Các đêm diễn luôn đông nghẹt khán giả, thậm chí chạm ngưỡng 4.000 người nhờ dàn sao từ Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên đến ca sĩ trẻ như Bảo Thy, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Ngô Kiến Huy. Ngoài ra, điểm riêng của các show là kết hợp các tiết mục hài. 

Tháng 10/2013, Gia Bảo tổ chức show Đại hội siêu sao có NSND Ngọc Giàu, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Bảo Thy, Ngô Kiến Huy, Isaac... nhưng chỉ được 2.500 thay vì 3.000 - 4.000 khán giả như ngày trước. Thấy tình hình không khả quan, anh quyết định dừng làm show ở Trống Đồng. 

Với góc nhìn thực tiễn của một bầu show, theo Gia Bảo, sự thoái trào của các sân khấu bình dân bắt đầu khoảng năm 2013 - 2014 khi các gameshow, chương trình truyền hình thực tế được đầu tư lớn, quy tụ tên tuổi ăn khách nhất các lĩnh vực với nội dung phong phú, lên sóng khung giờ đẹp cuối tuần đua nhau nở rộ.

Ông bầu Gia Bảo thở dài tiếc nuối khi gửi ảnh chụp show diễn đông nghịt khán giả mình từng tổ chức tại Trống Đồng. Ảnh: NVCC

"Nếu ra sân khấu, bạn phải tốn tiền vé, xếp hàng, tới sớm giành chỗ đẹp, chưa kể chen lấn còn có nguy cơ bị móc túi. Khán giả có tiền không chuộng các sân khấu ngoài trời kiểu này vì vấn đề thời tiết. Khán giả bình dân - đối tượng khách hàng chính - cũng dần chọn ở nhà xem truyền hình, YouTube miễn phí lại có thể vừa xem vừa ăn uống cùng gia đình", ông bầu phân tích. 

Chiều ngược lại, Gia Bảo nhấn mạnh nhiều năm nay các show kiểu này thường lặp đi lặp lại mô-típ cũ, không đổi mới, sáng tạo.

Mặt khác, các nghệ sĩ thế hệ sau báo giá cát-sê ngày càng cao khiến bầu show rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan": trả cát-sê thấp không ai diễn, bán vé giá cao không ai mua. 

"Với tôi, 1 show ngoài trời cần 5-7 ngôi sao từ ca nhạc tới hài, trong đó cần ít nhất 1-2 sao hạng A mới bảo đảm doanh thu. Nghệ sĩ thế hệ sau vừa báo giá cao, vừa kén chọn, không chịu diễn show tạp kỹ dần dần các sân khấu bình dân bị bỏ trống, dẫn đến đóng cửa", anh cho hay.

Sân khấu Lan Anh hiện tại. Clip: Loan Lê

Cần sự 'hà hơi' tiếp sức

Từ góc nhìn quản lý văn hóa, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM nhìn nhận điểm chung của các sân khấu như Lan Anh, Trống Đồng và 126 là được xây dựng nhằm mục đích cho thuê. 

Các sân khấu này hầu hết không có kế hoạch, định hướng hay phong cách nghệ thuật cụ thể. Với hoạt động nặng tính thời vụ, các tụ điểm khó đáp ứng được sự thay đổi của xu thế thời đại.  

“Nghệ sĩ có tiền và nhu cầu cứ đến ký hợp đồng, tổ chức show. Họ không cần đầu tư quá lớn mỗi chương trình. Xong show, ê-kíp lại trả về hiện trạng ban đầu”, ông Giàu nói. 

NSND Trần Ngọc Giàu quan sát thấy sân khấu trên địa bàn TPHCM hiện tồn tại 2 trạng thái: Thứ nhất là thiếu tụ điểm, thứ 2 có tụ điểm nhưng không tạo được sức hút với khán giả. Hai yếu tố này tưởng mâu thuẫn nhưng thực tế là 1 cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả. 

Việc các tụ điểm trên thưa vắng người đã phản ánh rõ nét sự thay đổi của khán giả trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật mà ở đó, mô hình sân khấu truyền thống đã không còn đáp ứng được thị trường. 

NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM. Ảnh: Tư liệu

NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM. Ảnh: Tư liệu

Bên cạnh những sân khấu hoành tráng, quy mô tầm cỡ sân vận động, TPHCM vẫn cần nơi với sức chứa vài nghìn khán giả.

Để giúp sân khấu “hồi sinh”, ông Giàu bày tỏ cần sự hà hơi tiếp sức, phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước và tư nhân. Mỗi bên liên quan phải xác định đây là công trình kiến trúc, trên cơ sở đó xây dựng một địa chỉ uy tín, bao gồm một số chương trình, sự kiện kéo dài, đủ để định vị với số đông.

Nhà nước phải có chính sách, đề án để đầu tư, tái cơ cấu, xem đây là một thiết chế văn hóa. Kèm với đó cần sự cởi mở, khuyến khích về mặt pháp lý như cho thuê địa điểm dài hạn, tạo gói vay với lãi suất ưu đãi…

Về phía tư nhân, cần đặt yếu tố nghệ thuật lên hàng đầu rồi mới tính tới lợi nhuận. Việc thay đổi toàn diện từ không gian, cơ sở vật chất, công nghệ biểu diễn cho đến mô hình vận hành cũng góp phần vực dậy sân khấu. 

“Nhiều người hay nói thành phố không có gì để xem, chơi nhưng theo tôi ngược lại. Cái xem, chơi của chúng ta đang có lại không đáp ứng được nhu cầu. Nhu cầu, thị hiếu công chúng có thể không ổn định, liên tục thay đổi qua từng thời kỳ. Nếu có sự chung tay từ Nhà nước lẫn tư nhân câu chuyện sẽ dễ dàng hơn”, ông bày tỏ. 

Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet, Sân khấu Trống Đồng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do bị bỏ hoang lâu...

Theo Gia Bảo, Tuấn Chiêu ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Hậu trường những ngôi sao

Xem Thêm